Chúng ta có 2 khái niệm: Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
1. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).
(Theo điều 22 của Thông tư 39/2014/TT-BTC)
2. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
- Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
- Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
+ Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
+ Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
+ Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
+ Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
(Theo điều 23 của Thông tư 39/2014/TT-BTC)
Trường hợp doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì:
- Nếu trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn mà dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế thì doanh nghiệp chỉ bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP, Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, Thông tư số 61/2007/TT-BTC, Thông tư số 166/2013/TT-BTC nêu trên, không bị xử lý về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2014/TT-BTC nêu trên.
(Phạt từ 1 - 3 lần số thuế trốn - theo điều 13 của TT 166/2013/TT-BTC)
- Nếu trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn mà không dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế thì doanh nghiệp chỉ bị xử lý về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2014/TT-BTC nêu trên, không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP, Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, Thông tư số 61/2007/TT-BTC, Thông tư số 166/2013/TT-BTC nêu trên.
(Phạt từ 20 - 50 triệu - Theo TT 10/2014/TT-BTC)
Theo CV Số: 568/TCT-CS V/v xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn - ngày 26 tháng 02 năm 2014
Trong thực tế, ngày một gia tăng các DN bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, mang theo hóa đơn; mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khấu trừ thuế; ghi hóa đơn không đúng quy định; sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty, ẩn lậu doanh thu; hành vi lừa đảo bằng hình thức huy động vốn… Trong đó, hành vi bán hàng không xuất hoá đơn ở các loại hình kinh doanh dịch vụ, thương mại, xây dựng… diễn ra phổ biến.
Trường hợp doanh nghiệp phát hiện hoặc được cơ quan Thuế thông báo về những hóa đơn đầu vào là mua của doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh thì kế toán phải xác định xem thời điểm phát sinh hóa đơn đầu vào đó là trước hay sau khi doanh nghiệp bỏ trốn:
+ Nếu hóa đơn phát sinh sau ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
+ Nếu hóa đơn phát sinh trước ngày doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn thì Cục Thuế phải kiểm tra xem xét, đối chiếu với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để xác định có hàng hóa thực tế mua hay mua bán hóa đơn khống để xử lý vi phạm.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra xác định đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật: có hợp đồng mua bán, văn bản chứng từ thanh lý hợp đồng (nếu có), phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ thanh toán tiền; hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế, có hạch toán kế toán đầy đủ, đúng quy định thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo CV Số:11797/BTC-TCT V/v hướng dẫn và bổ sung nội dung công văn số 1752/BTC-TCT, ngày 22 tháng 8 năm 2014
Để việc triển khai thực hiện được thống nhất và đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thuế. Đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định về khấu trừ, hoàn thuế GTGT để trốn thuế, chiếm đoạt thuế GTGT. Bộ Tài chính hướng dẫn, bổ sung một số nội dung và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Về nguyên tắc xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng hành vi, tính chất, mức độ vi phạm và đúng quy định pháp luật; trường hợp liên quan đến các hóa đơn đầu vào đã tổng hợp chuyển cơ quan Công an, thực hiện theo những văn bản,.... của cơ quan Công an
2. Về khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với những doanh nghiệp có mua hàng hóa, sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp và doanh nghiệp trung gian ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng (bao gồm cả trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trước ngày Bộ Tài chính ban hành công văn số 7527/BTC-TCT), thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và Công văn số 1752/BTC-CTC ngày 10/2/2014 của Bộ Tài chính: cụ thể đối với một số trường hợp thực hiện như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT thì Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ. Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung.
+ Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa)
+ Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.
+ Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).
Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Nếu việc tạm dừng khấu trừ thuế dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp thì Cơ quan thuế có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi các trường hợp này, chưa yêu cầu nộp và chưa tính phạt nộp chậm chờ kết luận chính thức của Cơ quan có thẩm quyền.