Đây là những điểm mới được cơ quan thuế và Bộ Tài Chính hướng dẫn tại các công văn:
+ Số 3609 /TCT-CS V/v giới thiệu các nội dung mới của Thông tư số 119/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế, ngày 26 tháng 8 năm 2014 của BTC- TCT.
+ Số: 4716/TCT-CS V/v giới thiệu nội dung mới của Thông tư số 151/2014/TT-BTC, ngày 24 tháng 10 năm 2014 của BTC-TCT.
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, trong đó có một số điểm mới nổi bật cần lưu ý như sau:
I - Về thuế thu nhập doanh nghiệp
Một số nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính về thuế TNDN như sau:
1. Doanh nghiệp được trích khấu hao vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN toàn bộ giá trị đối với xe ô tô làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô có giá trị trên 1,6 tỷ đồng.
Trước: Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn).
2. Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Quỹ lương thực hiện trong năm được quy định tại tiết c, điểm 2.5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
Trước: Chưa có quy định này.
3. Bổ sung khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính vào chi phí được trừ.
4. Bỏ mức khống chế 15% trên tổng chi phí đối với chi phí khuyến mãi, quảng cáo, tiếp tân, khách tiết... quy định tại điểm m khoản 2 Điều 9 của Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13.
5. Về ưu đãi thuế TNDN:
Áp dụng thuế suất 15% đối với: thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.(Hiện hành không được áp dụng thuế suất ưu đãi).
II - Về thuế giá trị gia tăng
1. Bổ sung quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định là ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô được khấu trừ toàn bộ(không bị khống chế nguyên giá theo mức 1,6 tỷ đồng).
Trước: Doanh nghiệp không khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần giá trị vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn).
2. Sửa đổi, bổ sung về việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).
Trước:
Đối với trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ trả chậm, trả góp nếu chưa đến hạn thanh toán, cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai khấu trừ, tuy nhiên đến ngày 31/12 hàng năm, cơ sở kinh doanh phải rà soát tất cả các hợp đồng mua trả chậm, trả góp trong năm để khai điều chỉnh giảm trong trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
3. Sửa đổi, bổ sung về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
- Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với hoạt động đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.
- Chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT là: Phân bón; Thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi; Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
III - Về thuế thu nhập cá nhân
1. Về khoản lợi ích về nhà ở cho người lao động:
Khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng, cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN.
Trước: khoản lợi ích về tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
2. Về các trường hợp không phải quyết toán thuế:
Thông tư số 151/2014/TT-BTC sửa đổi nội dung hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. Đồng thời Thông tư bổ sung trường hợp cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp được tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế TNCN thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Trước: Chỉ cá nhân, hộ kinh doanh có duy nhất một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán thì mới không phải quyết toán thuế TNCN. Trường hợp cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh theo phương pháp khoán vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh theo phương pháp kê khai thì vẫn phải tổng hợp thu nhập và quyết toán thuế theo quy định.
3. Sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân kinh doanh
- Từ ngày 01/01/2015, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế thì cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh như sau:
+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%
+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%
Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%
+ Hoạt động kinh doanh khác: 1%
Đối với cá nhân cho thuê tài sản từ 01/01/2015.
- Đối với trường hợp cá nhân có phát sinh hợp đồng thuê trong nhiều năm và đã khai thuế, nộp thuế theo quy định trước đây thì không điều chỉnh lại đối với số thuế đã khai đã nộp.
- Chi cục Thuế hướng dẫn cá nhân cho thuê tài sản khai thuế doanh thu cho thuê từ ngày 01/01/2015 để làm cơ sở xác định thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo mẫu 01/KK-TTS ban hành kèm theo công văn 17526/BTC-TCT ngày 1 tháng 12 năm 2014
4. Từ 01/01/2015 miễn thuế thu nhập cá nhân đối với:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
- Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu.
IV - Về quản lý thuế
1. Từ ngày 1-1-2015 bỏ Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra (mẫu số 01-1/GTGT), Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào (mẫu số 01-2/GTGT) trong hồ sơ khai thuế GTGT tháng, quý.
2. Về đồng tiền xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản thuế nộp ngân sách nhà nước.
Trường hợp người nộp thuế phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ hoặc người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh. (Hiện hành: phải quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh).
3. Về tính tiền chậm nộp tiền thuế.
Bỏ quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày so với thời hạn quy định bị tính tiền chậm nộp thuế theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn chín mươi ngày.
4. . Về thông báo tạm ngừng kinh doanh
Người nộp thuế chỉ phải thông báo với một cơ quan nhà nước (cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế) tùy theo từng trường hợp, cụ thể:
- Đối với người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký theo quy định.
Trong trường hợp này, tại thông tư cũng quy định cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin do người nộp thuế đã thông báo.
- Đối với người nộp thuế thuộc đối tượng đăng ký cấp mã số thuế trực tiếp tại cơ quan thuế thì trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh.
Trước: Người nộp thuế là doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi tạm ngừng kinh doanh và hoạt động kinh doanh trở lại phải thông báo bằng văn bản cho cả cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
5. Về việc khai thuế GTGT theo quý:
- Sửa đổi, bổ sung quy định: Người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì thực hiện khai thuế GTGT theo quý và thời điểm kê khai theo quý áp dụng từ kỳ khai thuế GTGT quý IV năm 2014 (tháng 10, 11, 12 năm 2014).
- Bổ sung Mẫu số 07/GTGT - Thông báo chuyển đổi kỳ khai thuế GTGT từ Quý sang Tháng
Trước:
- Người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống thì thực hiện khai thuế GTGT theo quý.
- Không có mẫu Thông báo chuyển đổi kỳ khai thuế GTGT từ Quý sang Tháng.
6. Bỏ quy định doanh nghiệp phải khai thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý. Doanh nghiệp thực hiện tạm nộp hàng quý và quyết toán thuế TNDN theo năm.
Cụ thể, tại Thông tư sửa đổi các quy định về khai thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp (tại Điều 16) và của các cơ sở sản xuất thủy điện (tại Điều 20) cho phù hợp với quy định không còn kê khai tạm tính hàng quý.
Đồng thời, bổ sung quy định về việc xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý, tính tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán (tại Điều 17).
Trước: Doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý và thực hiện tạm nộp thuế TNDN hàng quý theo kê khai. Cuối năm, doanh nghiệp kê khai quyết toán thuế TNDN năm, trường hợp số thuế đã tạm nộp thấp hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp nộp bổ sung số thuế TNDN chênh lệch mà không phải tính tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán.
7. Bổ sung quy định về cơ chế cơ quan thuế đặt hàng và sử dụng kết quả của các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động. Trong đó quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; Quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Đồng thời quy định Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy chế hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thực hiện thống nhất việc sử dụng kinh phí và nguồn kinh phí chi trả cho công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo các hợp đồng dịch vụ để kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động.
Trước: Chưa có các quy định này
8. Về đơn giản thủ tục quyết toán thuế TNCN trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động.
Để đơn giản thủ tục hành chính, Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập giải thể, chấm dứt hoạt động có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan thuế danh sách cá nhân đã chi trả thu nhập trong năm (nếu có) theo Mẫu 25/DS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 151/2014/TT-BTC chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày có quyết định về việc giải thể, chấm dứt hoạt động.
Trước: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập giải thể, chấm dứt hoạt động phải khai quyết toán thuế TNCN.
9 . Bổ sung một số trường hợp doanh nghiệp không phải khai quyết toán thuế và cơ quan thuế không phải thực hiện kiểm tra quyết toán thuế, cụ thể:
9.1. Trường hợp doanh nghiệp có chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH sang Công ty cổ phần hoặc ngược lại; chuyển đổi Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật) thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ khai quyết toán thuế năm theo quy định.
9.2. Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan thuế không phải thực hiện kiểm tra quyết toán thuế:
a) Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.
b) Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.
c) Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm.
- Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các trường hợp nêu tại tiết a, b, c điểm này, chậm nhất năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Trước: Chưa có các quy định này.
CÁC QUY ĐỊNH KHÁC:
Trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm tiền lãi
Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Bộ luật lao động 2012, trong đó có một số nội dung quan trọng về tiền lương, trợ cấp thôi việc, mất việc làm.
Theo đó, người sừ dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do NHNN công bố tại thời điểm trả lương. có hiệu lực từ ngày 01/3/2015