Quy định về phạt nộp chậm báo cáo tài chính mới nhất 2021 đang được thực hiện theo điều 12 của Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Theo đó, Nếu doanh nghiệp nộp chậm hoặc không nộp báo cáo tài chính sẽ bị xử phạt như sau:
1. Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
2. Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
3. Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
* Có thể bạn muốn biết: Thời hạn nộp báo cáo tài chính
I. Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tài chính đang được quy định tại điều 109 như sau:
1. Đối với doanh nghiệp nhà nước
a) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý:
- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;
- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
b) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:
- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;
- Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
2. Đối với các loại doanh nghiệp khác
a) Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;
b) Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
II. Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tài chính đang được quy định tại điều 80 như sau:
1. Trách nhiệm, thời hạn lập và gửi báo cáo tài chính:
a) Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
b) Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Nơi nhận báo cáo tài chính năm được quy định như sau:
Các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê.
Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì ngoài việc nộp Báo cáo tài chính năm cho các cơ quan theo quy định (Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê) còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.
* Một vài các mức phạt khác liên quan đến lập và trình bày báo cáo tài chính mà bạn cần biết:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định;
b) Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định;
b) Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không lập báo cáo tài chính theo quy định;
b) Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;
c) Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Theo điều 11 của Nghị định 41/2018/NĐ-CP