Luật việc làm số 38/2013/QH13 - quy định về việc làm và BHTN 2015
Luật Việc làm 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013 có hiệu lực 1/1/2015, thay đổi một số quy định về việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội trước đây sẽ được chuyển sang Luật Việc làm. Thông qua luật này, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 đến dưới 12 tháng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp với những sửa đổi, bổ sung có lợi hơn cho người lao động.
Một số điểm nổi bật trong luật việc làm:
1) Đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.
- Điều 43 Luật Việc làm quy định: Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn, xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 đến dưới 12 tháng.
- Trong trường hợp người lao động đang thực hiện nhiều HĐLĐ thì người lao động và người sử dụng lao động của HĐLĐ đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, ….. cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
2) Mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp
- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp: người sử dụng lao động đóng 1%; người lao động đóng bằng 1%; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
3) Đối tượng đóng Bảo hiểm thất nghiệp
- Người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và trích tiền lương của từng người lao động để đóng cùng lúc vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
- Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng BHTN tiếp theo được tính lại từ đầu (trừ một số trường hợp đặc biệt).
4) Điều kiện hưởng Bảo hiểm thất nghiệp
- Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các bạn tải đầy đủ tại đây: Luật việc làm
Bình chọn bài viết
Xem kết quả: / 4 số bình chọn