Hướng dẫn cách hạch toán lệ phí môn bài
1. Tài khoản sử dụng: TK 3338 hay TK 3339
- Theo Điều 52 của thông tư 200/2014/TT-BTC hay điều 41 của thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn hạch toán khoản ""Thuế và các khoản phải nộp nhà nước"" thì:
""Tài khoản 3338- Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác, như: Thuế môn bài, thuế nộp thay cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam...
+ TK 33381: Thuế bảo vệ môi trường: Phản ánh số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, đã nộp và còn phải nộp;
+ TK 33382: Các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp, còn phải nộp các loại thuế khác. Doanh nghiệp được chủ động mở các TK cấp 4 chi tiết cho từng loại thuế phù hợp với yêu cầu quản lý.""
Nhưng Thuế môn bài được đổi tên thành Lệ Phí Môn Bài từ năm 2017 - Kể từ khi Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định người nộp lệ phí môn bài được ban hành
Cũng tại Điều 52 của thông tư 200/2014/TT-BTC hay điều 41 của thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn hạch toán khoản ""Thuế và các khoản phải nộp nhà nước"" thì:
""Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về các khoản phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác cho Nhà nước ngoài các khoản đã ghi vào các tài khoản từ 3331 đến 3338. Tài khoản này còn phản ánh các khoản Nhà nước trợ cấp cho doanh nghiệp (nếu có) như các khoản trợ cấp, trợ giá.""
(Hướng dẫn về cách sử dụng 2 tài khoản 3338 hay 3339 tại thông tư 133 và thông tư 200 là giống nhau)
Vậy Thuế môn bài khác gì lệ phí môn bài?
Theo điều 4 của Luật quản lý thuế số: 38/2019/QH14 thì
Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
Theo điều 3 của Luật phí và lệ phí số: 97/2015/QH13 thì:
Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
(Lệ phí là một trong các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu)
=> Khi hạch toán lệ phí môn bài các bạn sử dụng TK 3338 hay 3339 đều được vì:
+ Nếu sử dụng TK 3338 thì sẽ đúng với hướng dẫn trong chế độ kế toán tại TT 200 hoặc TT 133
+ Nếu sử dụng TK 3339 thì sẽ đúng với tên gọi đã được thay đổi
-> Nó đều nằm trong nhóm ""Thuế và các khoản phải nộp nhà nước""
2. Cách hạch toán lệ phí môn bài trong từng trường hợp cụ thể:
2.1. Đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh mới thành lập:
* Bút toán tính lệ phí môn bài phải nộp:
Để biết cách tính xác định số lệ phí môn bài phải nộp các bạn xem chi tiết tại đây:
Lệ Phí Môn Bài 2022
- Đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh mới thành lập thì sẽ phải làm tờ khai lệ phí môn bài 1 lần khi thành lập nên căn cứ vào số tiền phải nộp trên tờ khai lệ phí môn bài hạch toán:
Nợ 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp (TT 133 sử dụng TK 6422) (Chi phí này được trừ khi tính thuế TNDN)
Có 3338 (chi tiết 33382) hoặc 3339: Số tiền lệ phí môn bài phải nộp
- Thời điểm hạch toán:
+ Đối với các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh mới thành lập mà được miễn lệ phí môn bài nằm đầu tiên (năm thành lập) thì sẽ phải nộp tiền lệ phí môn bài từ năm sau năm thành lập nên sẽ hạch toán bút toán tính thuế trên vào năm phải nộp lệ phí môn bài.
+ Không hạch toán bút toán tính thuế vào năm được miễn
* Bút toán đi nộp tiền lệ phí môn bài: căn cứ vào giấy nộp tiền hạch toán
Nợ 3338 (chi tiết 33382) hoặc 3339: Số tiền lệ phí môn bài phải nộp
Có 111 hoặc 112: Số tiền thực nộp vào NSNN
2.2. Đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã và đang hoạt động:
Vì không cần phải làm tờ khai lệ phí môn bài (trừ trường hợp có thay đổi vốn) nên phải tự xác định mức lệ phí môn bài phải nộp hàng năm để đi nộp tiền (hạn chậm nhất là 30/1 hàng năm)
- Hạch toán bút toán lệ phí môn bài vào đầu năm tài chính:
Nợ 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp (TT 133 sử dụng TK 6422) (Chi phí này được trừ khi tính thuế TNDN)
Có 3338 (chi tiết 33382) hoặc 3339: Số tiền lệ phí môn bài phải nộp
- Khi tiến hành nộp tiền vào NSNN thì hạch toán: căn cứ vào giấy nộp tiền hạch toán
Nợ 3338 (chi tiết 33382) hoặc 3339: Số tiền lệ phí môn bài phải nộp
Có 111 hoặc 112: Số tiền thực nộp vào NSNN
2.3. Trường hợp nếu nộp tiền lệ phí môn bài không đúng thời hạn sẽ bị phạt chậm nộp:
- Bút toán tính số tiền phạt chậm nộp hạch toán như sau:
Nợ 811: Chi phí khác (Chi phí này không được trừ khi tính thuế TNDN)
Có 3339: Số tiền phạt chậm nộp
- Bút toán nộp tiền phạt chậm nộp: căn cứ vào giấy nộp tiền hạch toán
Nợ 3339: Số tiền phạt chậm nộp
Có 111/112: Số tiền phạt đã nộp vào NSNN
3. Ví dụ về hạch toán lệ phí môn bài:
Công ty Kế Toán Thiên Ưng thành lập vào ngày 15/12/2021. Vốn điều lệ là 2 tỷ
- Vì mới thành lập nên năm 2021 công ty Kế Toán Thiên Ưng được miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập (năm 2021)
- Phải nộp lệ phí môn bài từ năm 2022. Hạn là 30/01/2022
- Phải nộp tờ khai lệ phí môn bài năm đầu thành lập: chậm nhất vào ngày 30/01/2022
=> Nhưng do ngày 30/01/2022 là chủ nhật (ngày nghỉ) nên thời hạn nộp tờ khai và tiền lệ phí môn bài năm 2022 được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo là ngày 31/01/2022
* Ngày 15/01/2022: Công ty Kế Toán Thiên Ưng làm tờ khai lệ phí môn bài
- Xác định: Mức vốn 2 tỷ => Số tiền phải nộp là 2 triệu/năm
- Căn cứ vào tờ khai LPMB, Hạch toán chi phí lệ phí môn bài phải nộp vào năm 2022 như sau:
Nợ 642: 2.000.000
Có 33382: 2.000.000
* Ngày 20/01/2022: Công ty Kế Toán Thiên Ưng nộp tiền LPMB năm 2022 vào NSNN qua mạng điện tử
- Căn cứ vào giấy nộp tiền hạch toán:
Nợ 33382: 2.000.0000
Có 112: 2.000.000